Không thể phủ nhận rằng, thái độ của bố mẹ đối với tiền bạc ảnh hưởng rất lớn tới tư duy của con cái về tài chính sau này.
Những đứa trẻ không biết quý trọng đồng tiền khi còn nhỏ, lớn lên rất khó kiểm soát chi tiêu, dễ đi vào bước đường cùng, nghèo khó. Trong khi đó, những đứa trẻ biết tiết kiệm tiền, hiểu được giá trị tiền bạc mang lại, lớn lên dễ dàng trở thành người giàu có. Có thể thấy được rằng, việc giáo dục tiền bạc cho trẻ ngay từ nhỏ là điều vô cùng quan trọng, bố mẹ không nên bỏ qua.
Làm thế nào để bố mẹ nuôi dưỡng khái niệm tiền bạc cho cái?
Việc giáo dục tiền bạc đối với trẻ nhỏ nên tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn như khi con cái xin tiền, câu trả lời của bố mẹ có thể ảnh hưởng tới quan điểm của đứa trẻ về tiền bạc.
Có 2 bà mẹ đang trò chuyện ở cổng trường, 2 đứa trẻ trạc tuổi nhau đứng bên cạnh. 2 đứa trẻ này là bạn học cùng lớp, rất thân với nhau nên quyết định cùng nhau đi xem phim. Đứa trẻ đầu tiên ngẩng đầu xin tiền mẹ: “Mẹ ơi, cho con 100 nghìn để tụi con mua vé xem phim tối nay được không ạ”.
Ảnh minh họa.
Người mẹ không nói lời nào, vui vẻ lấy ra 100 nghìn đưa cho con trai, cậu bé vui vẻ ôm chầm lấy mẹ mình.
Trong khi đó, cậu bé còn lại cũng xin mẹ mình 100 nghìn nhưng phản ứng của người mẹ lại trái ngược. Người mẹ cúi người xuống hỏi con trai: “Con muốn xem phim à? Bộ phim đó tên là gì? Con định xem ở đâu? Bao nhiêu tiền một vé? Tụi con đi lại bằng phương tiện gì? Ước tính tổng chi phí là bao nhiêu?”
Hàng loạt câu hỏi của người mẹ khiến cho cậu bé cảm thấy bối rối. Cậu bé trầm ngâm hồi lâu rồi nhìn mẹ trả lời: “Bộ phim đó mới chiếu mẹ à. Giá vé khoảng 50 nghìn, nước uống 20 nghìn. Con tính đi xe buýt, vé 6 nghìn. Tổng cộng 76 nghìn nhưng con định xin mẹ 100 nghìn đề phòng trường hợp phát sinh”.
Sau khi trả lời, người mẹ lấy trong túi ra 100 nghìn đưa cho cậu bé, không quên nhắc nhở “tháng này con lấy 2 lần tiền tiêu vặt rồi, mẹ sẽ trừ vào tháng sau của con nha”. Cậu bé vui vẻ cầm tiền, cười hạnh phúc.
Quan điểm về tiền bạc của bố mẹ ảnh hưởng tới thói quen chi tiêu của trẻ
Trong trường hợp trên, phản ứng của 2 người mẹ hoàn toàn trái ngược nhau. Người mẹ đầu tiên thoải mái cho tiền con cái mà không hỏi han gì, xin bao nhiêu cho bấy nhiêu.
Người mẹ thứ 2 thay vì đồng ý với số tiền con đòi thì hỏi mục đích xin tiền để làm gì. Sau khi nghe con trai trình bày rõ ràng số tiền dự tính chi tiêu, người mẹ cảm thấy hợp lý mới đưa tiền. Rõ ràng, người mẹ này có sự tính toán rõ ràng từng đồng khi chi ra. Thậm chí còn có cả khoản tiền tiêu vặt hằng tháng cho con cái.
Nhìn qua cũng có thể thấy, quan điểm về tiền của người mẹ thứ 2 quả thực đáng khâm phục hơn cả. Khi một đứa trẻ có cái nhìn đúng đắn về tiền bạc, chúng sẽ học được cách tiết kiệm và quản lý tiền bạc một cách hợp lý.
Hành vi của 2 người mẹ phản ánh quan điểm của họ về tiền bạc và ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của con cái.
Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ về tiền bạc như thế nào?
- Trẻ cần hiểu tiền là gì và nó đến từ đâu
Một số trẻ không có ý thức về tiền bạc, chúng chỉ biết rằng nếu xin tiền bố mẹ sẽ có ngay. Trẻ em khi còn nhỏ không biết tiền là gì và nó đến từ đâu? Bố mẹ có thể nói rằng, tiền bạc được đánh đổi bằng mồ hôi công sức trong công việc mà có.
Nếu có cơ hội, hãy để bọn trẻ trải nghiệm quá trình kiếm tiền. Ví dụ, mẹ và trẻ chuyển đổi vai trò, để con cái làm việc nhà, mẹ trả công để trẻ biết được việc kiếm tiền vất vả ra sao. Có như vậy, trẻ mới biết quý trọng tiền bạc hơn.
- Đọc sách có liên quan tới tài chính cho trẻ nghe
Đọc sách có thể mang lại lợi ích cho con người suốt đời. Đối với những kiến thức về tài chính, bố mẹ nên có sự hướng dẫn càng sớm càng tốt. Việc trẻ có những khái niệm đúng đắn về tiền bạc giúp ích rất nhiều trong việc chúng quản lý được tiền của mình.
Nếu trẻ còn nhỏ, bố mẹ có thể dùng những bộ sách tranh để giáo dục tài chính cho con mình một cách vô hình. Khi trẻ lớn hơn một chút, bố mẹ có thể mua cho trẻ những cuốn sách giáo dục về tài chính.
0 Nhận xét