Để con trai có thể đạt được những thành tích như hiện tại, công sức của người mẹ bỏ ra rất lớn. Thế nhưng, cách dạy con của người mẹ này không phải ai cũng có thể bắt chước theo.
“Hello, Future Human” là một bộ phim tài liệu tập trung vào mối quan hệ giữa "công nghệ và giáo dục" trong bối cảnh ngày nay, ghi hình ở 5 quốc gia: Vương quốc Anh, Israel, Kenya, Mỹ và Trung Quốc.
Trong tập mới nhất, tổ chương trình đã ghi hình về một gia đình gốc Trung Quốc nhưng hiện đang sinh sống ở Anh. Đó là câu chuyện về cậu bé tên Hà Gia Tiến (hay còn gọi là Gar Jun) và người mẹ tên Hiểu Phi.
Hà Gia Tiến – cậu bé thiên tài
Mặc dù Hà Gia Tiến chỉ mới 11 tuổi nhưng đã rất nổi tiếng nhờ tham gia chương trình “Những đứa trẻ thiên tài” tại Anh. Cậu bé có trí nhớ siêu phàm, tính nhẩm siêu nhanh, được ca tụng là một “thiên tài nhí”.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông ở Anh lại dồn sự chú ý vào người mẹ. Họ cho rằng, bà đã đòi hỏi và tạo áp lực quá lớn lên con trai mình. Báo chí Anh thậm chí còn viết rằng: “Theo suy nghĩ của nhiều người, trẻ em Trung Quốc dưới sự dạy dỗ của những ‘mẹ hổ’ không cần làm tốt bất cứ điều gì ngoại trừ việc học, chỉ cần điểm cao trong các kỳ thi là được”.
Để tìm hiểu sự việc, tổ chương trình đã đến trường trung học Birmingham ở Anh nơi Hà Gia Tiến theo học. Đây là trường công lập tốt nhất địa phương, để vào được cần phải cạnh tranh rất lớn.
Giáo viên cho biết, Hà Gia Tiến phát triển rất toàn diện, chơi bóng bầu dục giỏi, cảm thụ âm nhạc tốt, biết violin và piano, rất hòa đồng với các bạn trong lớp.
Nhiều người thắc mắc tại sao Hà Gia Tiến có thể phát triển tốt như vậy? Khi tìm hiểu nguyên nhân, nhóm chương trình biết được mẹ của cậu bé – bà Hiểu Phi đã lập thời gian biểu riêng cho con mình. Bà cảm thấy nội dung giảng dạy trong trường học quá đơn giản so với ở Trung Quốc.
Khi Hà Gia Tiến còn nhỏ, bố mẹ cậu bé đã đặt ra kế hoạch và nghề nghiệp tương lai của con mình trở thành một bác sĩ. Chính vì thế, người mẹ đã tìm kiếm những thông tin liên quan tới y tế để con mình có thể tiếp thu sớm ngay từ nhỏ.
Ngoài ra, để khơi dậy ước mơ sau này của con trai, người mẹ còn đưa cậu bé tới Đại học Birmingham để tham dự các thí nghiệm khoa học với các giáo sư. Nỗ lực như vậy quả thực không phải người bình thường có thể làm được.
Cách dạy dỗ của người mẹ liệu có thực sự đúng đắn?
Mặc dù Hà Gia Tiến đạt được những thành công lớn so với tuổi của cậu bé nhưng cách dạy con của người mẹ này liệu có tốt cho con cái hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, tổ chương trình đã tìm gặp giáo sư kinh tế nổi tiếng của Đại học Yale, Fabrizio Zilibotti.
Giáo sư Fabrizio cho biết: “Trên thực tế, các bậc cha mẹ trên thế giới đang thay đổi phương pháp nuôi dạy con cái mình. Đặc biệt, có sự tương đồng với phương pháp nuôi dạy con cái của cha mẹ Trung Quốc ngày càng cao”.
Sau đó, giáo sư Fabrizio còn đưa ra một số tài liệu có liên quan, đó là thời gian dành cho việc chăm sóc con cái của các bậc cha mẹ ở nhiều quốc gia đã tiếp tục tăng trong 40 năm qua kể từ năm 1987.
Đạo diễn chương trình này, bà Trần Nhất Gia thậm chí còn thừa nhận rằng: “Tôi từng nghĩ trẻ em Mỹ có tuổi thơ quá dễ dàng. Nhưng giờ tôi phát hiện ra rằng, ở Mỹ, những bậc cha mẹ muốn con vào trường tốt thì họ phải có sự chuẩn bị ngay từ thời thơ ấu như cha mẹ Trung Quốc”.
Trần Nhất Gia đã ghi danh cho cậu con trai 5 tuổi Bảo Bảo của mình tại Trung tâm Tư vấn những thiếu niên tài năng ở New York. Bảo Bảo sẽ tham dự các khóa đào tạo và bài kiểm tra khác nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Trần Nhất Gia giải thích rằng, 1 năm nữa Bảo Bảo chuẩn bị học mẫu giáo. Ở New York, những đứa trẻ có thể vào lớp thiên tài tiểu học đều từng tham gia các lớp học như Bảo Bảo.
Có vẻ như nỗi lo của giáo dục con cái là như nhau cho dù nó ở đâu. Sự lo lắng của cha mẹ dành cho con mình là điều dễ hiểu. Thế nhưng khi cha mẹ thúc ép con cái một cách thái quá vì lo lắng và khi mọi sự "giúp đỡ" của cha mẹ dành cho con cái đều phải trả giá bằng sức khỏe tinh thần của đứa trẻ, cuộc khủng hoảng có thể không còn xa.
Trong cuộc một kiểm tra của Đại học Thanh Hoa, khả năng của Hà Gia Tiến về trí nhớ, toán học, trí tưởng tượng… đều vượt xa so với bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, điều khiến mọi người lo lắng nhất là áp lực và sự căng thẳng trong tiềm thức của cậu bé đạt mức cao nhất.
Không ai có thể biết được một ngày nào đó trong tương lai, liệu rằng đứa trẻ này có tiếp tục giữ vững phong độ như bây giờ nữa không. Ở cuối chương trình, người mẹ đã có sự thỏa hiệp, bà đồng ý cho con mình có thêm nhiều sự tự do và sự lựa chọn trong tương lai hơn nữa.
0 Nhận xét